Du lịch cồn phong nẫm vùng đất đang chuyển mình

Chúng tôi về cù lao Phong Nẫm, vùng đất bốn bề sông nước thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ngày trước, khi còn làm việc ở huyện, mỗi lần đến Phong Nẫm, chúng tôi chỉ đi bằng phương tiện duy nhất là chiếc võ lải của cơ quan. Mà trước khi đi phải kiểm tra kỹ càng để bảo đảm chiếc võ lải sao thật chắc chắn. Bởi, nơi vàm Cái Trăm xuyên qua Phong Nẫm rộng lớn ấy luôn luôn có sóng to, gió lớn nên dễ bị tai nạn bất ngờ nếu chủ quan, coi thường…
Phong Nẫm, vùng đất đang chuyển mình

Thu hoạch bưởi tại xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: TRUNG HIẾU

Những năm sau này, nếu muốn đi Phong Nẫm phải vượt qua vài chục cây số đường bộ từ thị trấn Kế Sách xuyên qua Thới An Hội, rồi Trinh Phú, An Lạc Thôn và qua sông Hậu bằng chiếc phà không lớn lắm. Làm việc ở Phong Nẫm chỉ có một buổi nhưng mất hơn một buổi cho việc đi – về. Bây giờ, con đường nam sông Hậu vừa hoàn thành, chạy xe bon bon qua ba xã Song Phụng, Nhơn Mỹ và An Lạc Tây, chỉ mất chừng 30 phút là tới bến phà và mất chừng 5 – 10 phút là đã tới trung tâm xã Phong Nẫm.

Ngược dòng lịch sử, vùng đất Phong Nẫm được khai phá muộn so với dãy cù lao “hàng xóm” như cồn Bàng, cồn Cò, cù lao Công Ðiền (nay là cồn Mỹ Phước), cù lao Hổ Châu (nay là Cù Lao Dung). Do vị trí nằm cuối dãy đất cồn trên con sông Ba Thắc, lượng phù sa được bồi đắp có phần nào ít ỏi hơn so với vùng đất thượng nguồn Cù Lao Dung, Mỹ Phước. Nên khi ở miệt Cù Lao Dung, Mỹ Phước, người dân vùng ven sông Hậu bắt đầu mở mang công cuộc khai phá thì Phong Nẫm vẫn còn là khu vực trũng thấp. Mãi đến những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vùng đất này mới được mở mang khai phá từ những dạt đất nổi đầu tiên. Theo các cụ cao niên sinh sống lâu đời ở Cái Côn – Phong Nẫm thì địa danh “Phong Nẫm” là từ Hán – Việt: Phong là gió, Nẫm là thấp, dịch thoáng là vùng đất thấp đầy nắng gió (?). Nhưng cũng có người giải thích: Phong Nẫm là vùng đất thấp và nghèo (?). Bởi nơi đây sau mấy mươi năm khai phá vẫn là vùng đất nghèo so với những vùng đất láng giềng anh em như Mỹ Phước, Cù Lao Dung. Truyền thuyết là vậy, nhưng địa danh Phong Nẫm được đưa vào văn bản hành chính từ năm 1891 cùng với An Lạc Thôn, Xuân Hòa, An Lạc Tây, An Trinh, Ba Trinh, Khả Phú Mỹ… thuộc tổng Ðịnh Khánh – tức huyện Kế Sách ngày nay. Trước dòng biến thiên của lịch sử, nhiều địa danh hành chính đã thay đổi, như hai làng An Trinh – Ba Trinh nhập lại thành làng Ba Trinh, làng Khả Phú Mỹ được đổi thành An Mỹ,… nhưng làng Phong Nẫm nhỏ bé, nghèo khó vẫn đứng vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió trước bao đổi thay của thời cuộc.

Do đặc điểm của vùng đất trũng thấp, nên sau tiến trình khai phá hơn trăm năm, Phong Nẫm vẫn là vùng đất nghèo. Phong Nẫm có diện tích đất trồng lúa thấp nhất huyện, cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn nhưng lại trồng phân tán, nên diện tích vườn kém hiệu quả của nhiều hộ gia đình chiếm số lượng khá lớn. Những năm trước, cây màu chủ lực của Phong Nẫm là đậu nành. Nhưng do giá cả bấp bênh nên dù năng suất cao nhưng cũng không thể giúp bà con nơi đây thoát nghèo. Và đó là chuyện của ngày trước. Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc của Ðảng ủy xã, Bí thư Ðảng ủy Ngô Văn Hắc cho biết: “Nhiều năm nay Phong Nẫm đã thật sự chuyển mình trên nhiều phương diện. Bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ nét. Trong đó, các con lộ dọc theo toàn bộ tuyến đê đã được “đan hóa” 100% và nối liền các con đường đi vào khu dân cư. Ðặc biệt, tuyến đường nhựa nối liền trung tâm xã đến bến phà qua An Lạc Thôn với chiều dài hơn hai cây số đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đó giúp bà con đi lại dễ dàng hơn và hỗ trợ cho việc mua bán, làm ăn. Dọc trên tuyến đường này, có thể thấy rõ bộ mặt thay đổi của từng hộ gia đình. Với nhà cửa khang trang, hàng rào trước sân nhà được chỉnh trang bắt mắt… Ðặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, tình trạng trồng cây ăn quả phân tán đã phần nào được hạn chế. Nhiều gia đình trong xã đã quy hoạch trồng cây theo hướng tập trung, như vườn măng cụt, vườn chanh bông tím, vườn sầu riêng, nhãn, cam… Từ đó đem lại thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng một năm”.

Chúng tôi qua một vài ấp bằng xe hai bánh để tìm hiểu thêm. Cảm nhận đầu tiên với vùng đất này việc đi lại đã quá nhẹ nhàng. Nói thật là ngày trước, hễ có việc phải đi Phong Nẫm là một số anh em rất ngại, nhất là vào mùa mưa. Ði trên những con đê cao nghều nghệu, trơn trượt, rồi những con đường đi tắt qua mấy liếp vườn cây rắc rối như “bát trận đồ”, như mê cung. Ði qua rồi muốn quay trở lại cũng chưa chắc đi đúng con đường cũ. Nhưng giờ thì khác lắm rồi. Chúng tôi ghé vào nhà anh Nguyễn Văn Nhã ở ấp Phong Hòa. Gia đình anh có gần một ha chanh bông tím. Ðây là loại cây có đặc tính là ra trái quanh năm, cho nên dù vườn chanh bông tím mới chỉ có trái vài năm nhưng gia đình anh cũng thu hoạch với số lượng khá cao. “Những tháng nắng nóng vừa qua, chanh bông tím đã rất hút hàng, giá cả có lúc lên đến hơn 30.000 đồng/kg. Chanh bông tím được tiêu thụ mạnh ở Cần Thơ cùng các tỉnh mạn bắc sông Hậu. Ngày ngày thương lái từ Cần Thơ xuống tìm mua khá nhiều và giá cả cũng phải chăng, người bán ít khi bị ép giá”, anh Nhã bảo vậy. Kể cũng lạ, cây chanh bông tím có sức sống rất mạnh, cây trồng được một năm là bắt đầu cho trái và cho quanh năm. Ðến năm thứ hai là có thể chiết cành để bán. Anh Nhã cho biết thêm: “Ở miệt Cái Mơn (Bến Tre) người ta bán một cành giống giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng, nhưng tụi tôi chỉ bán có từ năm nghìn tới bảy nghìn đồng là cao rồi. Mình bán chủ yếu là cho anh em lấy cây giống để trồng đại trà, bán cho thương lái số lượng nhiều thì dễ dàng hơn là người ta phải tìm mua lẻ tẻ”. Ngoài cây chanh bông tím, Phong Nẫm còn có diện tích cây nhãn khá lớn, được trồng rải rác khắp các ấp. Ðến mùa thu hoạch, trái nhãn của vùng cù lao Phong Nẫm tỏa đi các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Không chỉ có cây trái, Phong Nẫm còn là vùng đất của ngư nghiệp. Vùng đất này, cùng với vàm Ðại Ngãi – quê hương của con cá cháy nức danh một thời, còn là nơi trú ngụ lý tưởng của cá bông lau, cá ngát, cá tra bần – những loài cá đặc sản trên dòng sông Hậu. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Ðảng ủy viên, là một ngư phủ có tiếng trên sông Hậu cho biết, vào mùa cá ba sa hay cá ngát, gia đình anh cũng kiếm được kha khá, giúp vào việc ổn định đời sống gia đình. Ðến mùa cá, đêm trên dòng sông Hậu lại lung linh, nhấp nháy ánh đèn. Anh Tùng cho biết: “Toàn xã hiện nay có hơn 130 hộ chuyên nghề đánh bắt cá bông lau. Sau một mùa cá, hộ thu nhập thấp nhất cũng tới ba, bốn chục triệu đồng. Vụ cá bông lau vừa qua, loại cá từ 2 kg trở lên có giá hơn 120.000 đồng/kg, nên cứ sau vụ cá anh em thợ câu, thợ lưới bỏ túi bộn tiền”.

Có chứng kiến những đổi thay mới biết, Phong Nẫm, vùng đất vốn xa xôi và nghèo khó của huyện Kế Sách, giờ đang từng bước “thay da, đổi thịt”. Ðường sá đi lại thông thoáng, những tuyến đường trên mặt đê quanh co, uốn lượn đã được tráng xi-măng bằng phẳng nối liền các ấp. Và dọc theo những tuyến đường đó, từ lâu đã được che phủ bởi hàng hàng, lớp lớp mầu xanh của cây ăn trái có giá trị cao. Bà con Phong Nẫm giờ đây không còn trăn trở với “đầu ra” của cây đậu nành – cây chủ lực một thời ở đây, không còn phải lo lắng chuyện đi lại học hành của con em nữa. Thực tế cho thấy vùng đất cù lao này đang từng ngày nhích lại gần hơn với đất liền, với trung tâm huyện nhà Kế Sách và các địa phương khác như TP Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long… Ngày trước, mỗi khi có công, có việc ở Sóc Trăng và Cần Thơ, khi xong việc, có khi phải nán lại qua đêm. Còn giờ thì cứ sáng đi, chiều về một cách nhanh chóng, thuận lợi. Và chính sự nhích lại ấy đã và đang tạo đà cho Phong Nẫm đứng vững và từ đó vững vàng đi lên trở thành mảnh đất hứa hẹn cho du lịch.

Theo nhandan.com.vn năm 2012

About admin

Công Ty Hoá Chất Hanimex - Hanimexchem.com Nhà nhập khẩu và phân phối các loại hóa chất công nghiệp , dung môi công nghiệp
Địa chỉ văn phòng : Số 01 - TT29 -Khu đô thị mới Văn Phú - P. Phú La - Hà Đông - Hà Nội
  • Phòng bán hàng: Mobile / Zalo : 0966.694.823
  • Email :thanhdat@hanimexchem.com
    Website : Hanimexchem.com