Phân tích bài thơ thu điếu

Trong Văn Học Việt Nam, những nhà thơ lớn đều là những nhà thơ dân tộc. Nhưng với tác giả Nguyễn Khuyến, chữ “dân tộc” thật gần gũi, thích hợp, và sáng chói hơn cả. Dù ông không có bản văn hùng tráng như ”Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, hay nhiều bài thơ đạo lý răn đời như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng nơi Nguyễn Khuyến có một tấm lòng lai láng với cảnh vật non sông, chan chứa sự thông cảm với dân lành, đề cao tình bạn rạng ngời, và nhất là lòng yêu nước sâu sa, đồng thời châm biếm, đả kích thực dân xâm lược và tầng lớp thống trị. Sáng tác của ông có cả thơ Hán và thơ Nôm với hơn tám trăm bài,  trong đó có chùm thơ Thu gồm ba bài thơ nức tiếng của ông, trong đó bài thơ “Câu cá mùa thu” (Thu điếu), là bài thơ về mùa thu được sáng tác khi ông cáo quan về quê ở ẩn, tiêu biểu cho vẻ đẹp hồn thơ của Nguyễn Khuyến:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

               Mùa thu câu cá là bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc về mùa thu vùng đồng bằng Bắc bộ, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu đất nước, đồng thời cũng thể hiện được tài thơ Nôm của tác giả. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu nhưng không chú ý vào việc câu cá mà thực ra là để đón nhận trời thu, cảnh thu vào cõi lòng. Mở dầu bài thơ là hai câu đề đã đặc tả được cảnh ao thu “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”(Xuân Diệu):

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Câu thơ đầu tiên có sự xuất hiện của hai vầng “eo”, thể hiện được sự co lại, cô đọng lại, không di chuyển, không nhúc nhích, không chỉ có tác dụng miêu tả không khí lạnh lẽo, không gian eo hẹp rất đặc trưng của ao hồ vùng chiêm trũng Bắc bộ, mà còn gợi ra cảm giác buồn bã, cô đơn trong lòng người. Trong câu còn tồn tại từ láy “lạnh lẽo” gợi hình ảnh mặt nước trong veo, tĩnh lặng, đó là cái tĩnh lặng đặc trưng của mùa thu. Có lẽ là đã vào cuối thu nên không khí ao thu đã nhuốm hơi thở của tiết trời mùa đông, trở nên “lạnh lẽo”. Từ láy “lạnh lẽo” vừa gợi ra thời tiết se lạnh vừa diễn tả cái tĩnh lặng của không gian. Cả mặt nước tĩnh lặng khiến cho làn nước mùa thu vốn đã trong lại càng trong hơn. Thi nhân dùng từ “trong veo” để nói cái trong ấy. Nước đã trong lại tĩnh lặng không gợn sóng nên dường như ngồi trên chiếc thuyền câu, ông có thể ngắm được rong rêu và cả bầu trời trong xanh phía dưới mặt ao. Trong “ao thu” lại xuất hiện “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, khung cảnh thiên nhiên có dấu vết của cuộc sống con người, làm cho cảnh thu vốn lạnh lẽo lại có thêm phần ấm cúng. Chiếc thuyền câu bé tẻo teo, với từ láy “tẻo teo” nhấn mạnh sự nhỏ bé nhưng xinh xắn của chiếc thuyền trên mặt ao. Cảnh thu thật đẹp, thật trong trẻo, thanh sơ. Như vậy, ngay từ những nét vẽ đầu tiên, người đọc đã cảm nhận được những rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu, gợi cảm giác yên tĩnh lạ thường, là những nét vẽ cảnh thu đầu tiên mà theo cách nhà thơ Xuân Diệu cho là “Điển hình nhất cho mùa thu Việt Nam, ở miền Bắc nước ta, chứ không phải nơi nào khác”.

Nếu hai câu thơ đầu tiên được Nguyễn Khuyến dùng để đặc tả cảnh ao thu, thì ở hai câu thơ tiếp theo, bằng tài năng và sự tinh tế của mình, thi sĩ tiếp tục vẽ nên bức tranh thu tươi đẹp ấy qua những chuyển động thật nhẹ nhàng mà lại rất đặc trưng của mùa thu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”

Ở hai câu thực, tác giả đã vận dụng thật  tài tình nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Tả cái động “hơi gợn tí” của sóng và “khẽ đưa vèo” của lá rơi càng khắc họa nên cái tĩnh lặng của mùa thu làng quê Việt Nam xưa. “Sóng” chỉ “gợn tí” trên mặt ao, đó là những gợn sóng mỏng manh không đủ làm nên chuyển động, đó là “lá vàng” “khẽ đưa vèo” trước gió, từ “vèo” miêu tả tốc độ rất nhanh và cũng rất nhẹ, không đủ làm nên âm thanh. Không gian có tĩnh lặng thì người ta mới nghe thấy những âm thanh rất nhỏ, rất khẽ ấy. Không chỉ miêu tả cái tĩnh lặng, hai câu thơ còn tiếp tục làm nổi bật vẻ đẹp trong trẻo, nên thơ của mùa thu. Sóng ở đây là “sóng biếc”, sóng của làn nước trong ánh lên màu xanh ngọc bích. Điểm xuyết giữa bức tranh thu ấy là màu vàng của chiếc lá thu rơi. Cũng như các nhà thơ khác, mùa thu gắn liền với lá vàng. Thế nhưng, Nguyễn Khuyễn khác hẳn họ ở chỗ, màu vàng lá thu trong câu thơ của ông chỉ điểm xuyết ít ỏi, chỉ len lỏi giữa màu xanh của làn nước, bầu trời, ngõ trúc…Ông không lấy màu vàng làm sắc màu chủ đạo, và màu vàng trong câu thơ cũng không phải là màu gợi ra sự héo úa, chết chóc. Nó đơn thuần là màu vàng đặc trưng của mùa thu Việt Nam. Xuân Diệu cũng đã từng phát hiện ra điều này : “Cái thú vị của bài “Thu điếu” là ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi…”. Bằng nghệ thuật lấy động tả cảnh,  hai câu thực chứa đựng những nét đặc sắc rất riêng của mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị, gần gũi, thân thuộc, tạo nên bức tranh thu tĩnh lặng, trong trẻo và nên thơ. Cảnh vật hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật buồn, qua đó cho người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ.

             Và bức tranh thu ấy không chỉ cuốn hút ta bởi nhũng màu sắc và vẻ đẹp của những cảnh vật ngay gần bên ta, mà dường như bức tranh ấy đã được mở rộng ra bằng tầm nhìn xa và rộng của thi nhân qua hai câu luận:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”

Trên cao là bầu trời cao, rộng, thoáng đãng, “xanh ngắt” với những áng mây “lơ lửng” giữa không trung. Nhà thơ đã miêu tả bầu trời mùa thu miền Bắc với thời tiết se lạnh ít mây. Nổi bật lên chính là hình ảnh nền trời xanh ngắt. Cái màu “xanh ngắt” là nét đặc trưng đặc biệt của bầu trời thu quê hương vị Tam Nguyên Yên Đổ, bởi vậy mà bài thơ nào trong chùm thơ thu cũng có màu xanh ấy : “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” (Thu vịnh) hay “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Thu ẩm). Trời thu dường như cao hơn, gợi cho ta cảm giác lạnh lẽo hơn. “Tầng mây lơ lửng” đã tô điểm thêm nét duyên dáng cho bầu trời thu, nhưng với từ láy “lơ lửng” đã gợi trạng thái không bay không dừng mà ở lưng chừng của mây trời, đồng thời gợi ra trạng thái mơ màng của con người. Dường như cảnh vật được nhìn bằng tâm trạng phân vân của thi nhân trong thời cuộc. Khi nhìn sâu vào xóm làng, ta bắt gặp được khung cảnh quê hương quen thuộc với hình ảnh “ngõ trúc quanh co”, gợi cảm giác dài, uốn lượn, đây chính là vẻ đẹp riêng của đường làng ngõ xóm.. Từ “vắng teo”  gợi nên cảm giác vắng lặng không người qua lại, từ “quanh co” không chỉ tả con ngõ nhỏ sâu hun hút mà còn gợi cho người đọc liên tưởng đến những suy nghĩ không thông thoát của con người, khiến con người buồn, bởi vậy cảnh tuy đẹp mà tĩnh lặng, mang vẻ buồn man mác. Đằng sau bức tranh phong cảnh, ta vẫn cảm nhận được tâm hồn tha thiết với thiên nhiên của tác giả. Có thể thấy cái vắng lặng không chỉ hiện diện ở ao thu mà tỏa ra khắp đât trời làm cho cảnh thu rộng hơn, mênh mông hơn.

              Tận đến khi bức tranh thu hoàn thành, đến lúc bài thơ kết thúc,  người đọc mới thấy được bóng dáng, hình ảnh của người đi câu cá:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Con người hiện ra trong tư thế  “tựa gối buông cần”. “Buông” cần chứ không phải là “ôm” cần, bởi từ này diễn tả con người đang  thả lỏng cần câu, ngồi câu mà không chú ý đến việc câu. Đó chính là hình ảnh của nhà thơ trong những ngày từ quan lui về ở ẩn. Chốn quan trường khiến ông “chướng tai gai mắt”, ông tìm về quê nhà với thú vui điền viên. Ông đi câu chẳng qua là để tìm một chốn thanh tĩnh mong thoát khỏi những ý nghĩ về thời cuộc. Thế nhưng, có lẽ Nguyễn Khuyến không thể làm được. Đi câu mà chẳng hề chú ý đến việc câu, tâm trí ông phải chăng cứ miên man trong những suy nghĩ không nguôi về non sông, đất nước. Âm thanh tiếng cá đớp động, tiếng động duy nhất vẳng lên từ dưới “chân bèo”, rất nhỏ, từng tiếng một lẻ loi, làm tăng thêm tĩnh lặng. Có ba phụ âm “đ” trong câu nhưng lại không thấy động, không thấy vang vọng chút nào, chỉ đủ để nhà thơ miêu tả tiếng vẫy đuôi của cá trong không gian tĩnh lặng. Nhưng cuối cùng, tất cả những hình ảnh về “nước, trời, ngõ trúc, lá vàng, bèo, cá” chỉ là những cái vỏ ngoài tuy chân thực nhưng đều mang tính ẩn dụ, tất cả là để gửi gắm một nỗi niềm tâm sự sâu kín mà tác giả chưa biết ngỏ cùng ai. Bởi vì, giữa thời kỳ dân tộc ta đang đắm chìm trong vòng nộ lệ, người dân mất tự do đến nghẹt thở, ngay cả nỗi cay đắng thống khổ cũng chẳng dám kêu. Hai câu thơ kết đã khắc họa được hình ảnh người câu cá với khối tâm sự bộn bề trong lòng giữa không gian mùa thu tĩnh lặng, đó là tâm trạng của một người có tấm lòng yêu nước sâu sắc mà gắn bó với thiên nhiên.

              Bỏ lại sau lưng những vay mượn ồn ào, những vần thơ quý phái, những khuôn sáo, ước lệ, Nguyễn Khuyến đã có công đưa văn học về với cội nguồn dân tộc, làng quê, với đời sống thường nhật của người dân đói nghèo, lam lũ. Ông xứng đáng là nhà thơ của nông thôn với những bài thơ miêu tả tinh tế, chân thực những vẻ đẹp bình dị của nông thôn. Để làm sống dậy hồn của cảnh trên trang viết,  Nguyễn Khuyến đã khéo léo vận dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh cùng với tài sử dụng từ ngữ độc đáo, giàu nhạc điệu trong Câu cá mùa thu (Thu điếu), dựng lên một  một bức tranh thiên nhiên thôn dã vào cữ thu sang, thanh sạch và sống động, và qua đó nó mở ra một cánh cửa nho nhỏ cho ta đi vào thế giới tâm linh của thi sĩ, ta hiểu được tấm lòng yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của tác giả. Bài thơ nói riêng, chùm thơ thu nói chung sẽ còn mãi trong lòng người yêu thơ bao thế hệ.

Nguồn: https://trinhdiephuongdi070903.wordpress.com/2019/10/25/van-mau-phan-tich-bai-tho-thu-dieu-nguyen-khuyen/
Tag: tích điếu

About admin

Công Ty Hoá Chất Hanimex - Hanimexchem.com Nhà nhập khẩu và phân phối các loại hóa chất công nghiệp , dung môi công nghiệp
Địa chỉ văn phòng : Số 01 - TT29 -Khu đô thị mới Văn Phú - P. Phú La - Hà Đông - Hà Nội
  • Phòng bán hàng: Mobile / Zalo : 0966.694.823
  • Email :thanhdat@hanimexchem.com
    Website : Hanimexchem.com