Thời gian qua, hàng chục người đã khiếu nại Công ty TNHH Khu du lịch V.T.Đ với các văn phòng giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng tại TP HCM. Công ty này là chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng với tổng diện tích gần 300.000 m2 tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Như bị thôi miên!

Chưa hết, hơn 20 người khác bị Công ty V.T.Đ chiếm giữ nhiều tỉ đồng mà không biết phải làm sao đòi lại tiền đã lỡ đặt cọc để mua hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” tại khu nghỉ dưỡng do công ty cung cấp. Theo đó, mỗi người đã đặt cọc 30% tổng số tiền trong hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” 362,64 triệu đồng là 109,296 triệu đồng. Cũng có người đã đóng đến 80% trị giá hợp đồng.

Những người này cho biết nhân viên Công ty V.T.Đ khi tư vấn nói huyên thuyên bất tận toàn lời hay ý đẹp, cái gì cũng có lợi cho khách hàng. Nhiều người đã ký hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” nhưng không hề được Công ty V.T.Đ cho xem trước hợp đồng.

Khi tiếp xúc phóng viên, những người lỡ “dính” vào Công ty V.T.Đ đều kêu trời. Bà Trương Thị Kim Thoa (ở quận 2, TP HCM) cho biết dù đang làm việc tại một công ty bảo hiểm lớn nhưng bà vẫn bị nhân viên Công ty V.T.Đ thuyết phục dễ dàng. “Khi tiếp xúc bên Công ty V.T.Đ, tôi như bị thôi miên vậy. Họ nói cái gì cũng hay nên tôi cứ răm rắp làm theo, đưa ngay thẻ cho họ “cà” hết 125 triệu đồng. Người bạn đi cùng không mang theo tiền cũng hồ hởi yêu cầu tôi cho mượn thẻ còn 12 triệu đồng để “cà” tiếp cho Công ty V.T.Đ. Khi về đọc lại hợp đồng, tôi mới tá hỏa vì toàn điều khoản bất lợi cho khách hàng. Giữa tháng 11 vừa qua, tôi cùng bạn bè tức tốc ra Khánh Hòa để xem dự án của Công ty V.T.Đ thế nào thì chỉ thấy bãi cát mênh mông, trong đó chỉ có 2 cái khung trống trơn” – bà kể.

Sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ - Ảnh 1.

Nhiều người đến văn phòng Công ty V.T.Đ tại TP HCM để đòi tiền mua sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ”

Ông Đặng Thanh Sơn (quận 9, TP HCM) đã đặt cọc cho Công ty V.T.Đ hết 109 triệu đồng. Khi biết mình dính bẫy, ông đã yêu cầu Công ty V.T.Đ ngưng hợp đồng thì họ bảo: “Đâu phải muốn ngưng là ngưng! Sau này có kiện cáo ra pháp luật thì cũng phải đóng tiếp”.

Theo ông Sơn, các điều khoản trong hợp đồng rất khác so với những gì nhân viên Công ty V.T.Đ tư vấn. “Họ nói phí duy trì hằng năm 5-6 triệu đồng nhưng hợp đồng ghi là 7,5 triệu đồng. Số tiền còn lại của khoản thanh toán phải trả trước ngày khu nghỉ dưỡng khai trương chính thức có thể tăng theo quyết định của công ty. Lúc tư vấn, họ nói dự án sẽ khai trương tháng 11-2018 nhưng trong hợp đồng lại không thấy thông tin này. Thời hạn nghỉ dưỡng cũng bị rút từ 40 năm xuống còn 38 năm tính từ năm 2017. Hợp đồng cũng không ghi tiêu chuẩn căn hộ nghỉ dưỡng bao nhiêu sao…” – ông bức xúc.

Nợ nần chồng chất

Ông Từ Tư Đồng (quận Tân Bình, TP HCM) đã đặt cọc 111,32 triệu đồng cho Công ty V.T.Đ. Khi xem lại hợp đồng, ông phát hiện trách nhiệm của công ty không rõ ràng, còn khách hàng lại gặp nhiều bất lợi, như: bị ràng buộc bởi điều khoản về bảo mật “không được cung cấp bất cứ thông cáo báo chí nào hoặc tuyên bố trước công luận hoặc giao tiếp với bất cứ phương tiện thông tin đại chúng hoặc bên thứ ba nào liên quan đến hợp đồng”; cũng như loại trừ nghĩa vụ hoàn trả tiền cọc và bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Khi ông Đồng yêu cầu Công ty V.T.Đ trả lại tiền cọc, công ty có thư trả lời rằng hợp đồng không có bất kỳ điều khoản nào vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam hoặc trái với đạo đức xã hội. Do đó, không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào để công ty phải hủy hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” và trả lại số tiền đặt cọc!

Sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ - Ảnh 2.

Dự án khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa khó có khả năng hoàn thành trong năm 2018. (Ảnh do những người bị hại cung cấp)

theo nld.com.vn

tag tuyển dụng vịnh thiên đường cty tôn thắng walmart tuyen dung